Mất dần thương hiệu Việt?
Trong cuộc gặp gỡ nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Tổng giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh, đã bày tỏ lo ngại liên quan đến Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định 58, cho phép nới room khối ngoại ở các công ty đại chúng không thuộc các lĩnh vực hạn chế lên mức 100%. Theo bà Yến, việc này có thể biến một thương hiệu Việt như Bình Minh trở thành DN nước ngoài.
Ngoài sức hấp dẫn về tăng trưởng, những cơ hội từ TPP hay các FTA cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn nhảy vào Việt Nam. Đặc biệt là với TPP, một hiệp định mà ngành nhựa cũng được hưởng lợi vì sẽ mang tới cơ hội đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trong hơn 38 năm hoạt động, Nhựa Bình Minh vẫn giữ được thị phần đa số trong thị trường ống nhựa Việt Nam (với hơn 1.200 cửa hàng phân phối, tính đến cuối năm 2014).
Đồng thời, sau 11 năm cổ phần hóa, Nhựa Bình Minh đã mở rộng sản xuất với việc sở hữu hơn 200.000m2 nhà xưởng thuộc 4 nhà máy tại Hưng Yên, Bình Dương, TPHCM và Long An.
Trong đó, nhà máy ở Long An với quy mô 160.000m2 là nhà máy trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất khu vực. Hiện nhà đầu tưnước ngoài là Nawaplastic Industries (công ty con của SCG, Thái Lan) đã gom mua và nắm giữ 20,4% vốn điều lệ của Nhựa Bình Minh và tập đoàn này luôn bày tỏ mong muốn được nâng tỷ lệ sở hữu ở nhựa Bình Minh lên mức tối đa cho phép.
Cũng tại buổi gặp gỡ, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, nhìn nhận: “Trong khi các DN nhựa Thái Lan được vay vốn với lãi suất chỉ 1%, thậm chí 0%, thì các DN Việt Nam vẫn phải vay ở mức cao, như vậy làm sao cạnh tranh. Ngành nhựa đang đứng trước nguy cơ bị DN Thái thâu tóm ngày một nhiều hơn”.
Trở lại câu chuyện của Tập đoàn SCG, tập đoàn này đang nối dài cánh tay của mình ở thị trường Việt Nam thông qua hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A). Chỉ tính riêng trong ngành nhựa xây dựng, SCG không chỉ nắm hơn 20% cổ phần Nhựa Bình Minh (DN lớn ở thị trường miền Nam) mà còn nắm 23,84% cổ phần của Nhựa Tiền Phong, một tên tuổi lớn ở phía Bắc.
Và trong thời gian tới, khi SCIC có chủ trương thoái vốn ở một số DN trong đó có 2 cái tên này, khả năng nắm giữ thị trường nhựa xây dựng của SCG lại càng nhiều hơn. Đương nhiên, không chỉ có 2 DN này, SCG còn có nhiều thương vụ đình đám khác ở thị trường Việt Nam. SCG thông qua công ty con là TC Flexible Packaging (TCFP) đã mua 80% cổ phần của CTCP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD). Batico là công ty thuộc top 5 DN lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì, có công suất 230 triệu m2/năm. Và đương nhiên việc mua nốt số cổ phần còn lại của Batico cũng chả có gì khó khăn với SCG.
Một thương hiệu trong ngành nhựa bao bì khác của Việt Nam cũng từng bước rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài chính là Nhựa Tân Tiến. Nhưng lần này không phải người Thái ra tay mà lại là một đối tác Hàn Quốc. Những thương vụ nêu trên chỉ là vài trong số rất nhiều thương vụ M&A trong ngành nhựa thời gian qua.
Khốc liệt cạnh tranh
Ngoài các thương vụ M&A liên tục trong thời gian vừa qua, ngành nhựa còn chịu áp lực từ việc đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình là Srithai Superware PLC, một đại gia trong ngành nhựa Thái Lan, đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy tại Việt Nam. DN này đã có 19 năm đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư từ mức gần 4 triệu USD hiện đã tăng lên 20 triệu USD với 3 nhà máy ở khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương và đang tiến hành thủ tục xin thuê đất 50 năm mở thêm các nhà máy ở miền Bắc.
Mạnh về tiềm lực tài chính là điều kiện tiên quyết để các ông chủ Thái Lan chiếm lĩnh mạnh thị trường nhựa Việt Nam. Hay một cái tên khác là Tập đoàn Hon Chuan (Đài Loan) thành lập Công ty Hon Chuan Việt Nam và xây nhà máy tại Bình Dương…
Trước sức ép cạnh tranh quá lớn như vậy, câu hỏi được đặt ra là DN Việt Nam phải làm gì. Câu trả lời được nhiều ý kiến đồng tình đó chính là đẩy mạnh đầu tư. Ngành nhựa Việt cũng có những điểm sáng trong việc đẩy mạnh đầu tư đưa DN vượt qua những đối thủ lớn trong khu vực. Chẳng hạn câu chuyện của nhựa An Phát, với việc đẩy mạnh đầu tư hiện An Phát là một trong những nhà sản xuất bao bì mảng mỏng lớn nhất Đông Nam Á. Phần lớn doanh thu của An Phát đến từ việc xuất khẩu sang những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…
Một DN khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư và mở rộng thị trường chính là Đại Đồng Tiến. Nhắc đến thương hiệu này người tiêu dùng nghĩ ngay tới những sản phẩm nhựa gia dụng, bàn ghế… tiêu thụ tại thị trường trong nước, nhưng thời gian qua DN này đã đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng như đồ chơi trẻ em… Ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc công ty, cho biết mục tiêu xuất khẩu của Đại Đồng Tiến trong thời gian tới là 20 triệu USD, nâng tỷ trọng lên khoảng 40% trong tổng doanh thu của Đại Đồng Tiến, so với hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 20%.
Khi nhắc đến câu chuyện cải tiến, đẩy mạnh đầu tư thì nhựa Duy Tân cũng là một thí dụ điển hình… Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận một thực tế là những DN lớn của Việt Nam như vừa được kể trên vẫn còn là những con số quá ít ỏi. Vẫn biết để cạnh tranh, để không bị thâu tóm DN phải tự lớn lên, nhưng nói như một chủ DN trong ngành nhựa thì khi DN không lớn nổi, bán đi vẫn hơn là chết.
Theo Thanh Lâm
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính